Nồi phở Việt Nam
Phở, một món ăn truyền thống Việt Nam. Chúng ta đều biết, để có được một nồi phở ngon thì cần phải có nhiều nguyên liệu và gia vị. Nguyên lý ấy đều đúng cho bất cứ món ăn nào, từ món đơn thuần nhất cho đến cầu kỳ nhất. Đó là điều « không thể chối cãi » đối với các anh chị em làm bếp, và điều đó đối với nhà làm bếp Mầm Trẻ thì lại càng không thể chối cãi được.
Mỗi năm khi Mầm Trẻ tổ chức lễ mừng Tết Nguyên Đán thì không thể không có một nồi phở Việt Nam cho quan khách, cũng như chả giò (nem) hay nước mắm… những tên Việt Nam của các món ăn ấy đã trở thành quen thuộc nơi xứ lạ quê người của cô chú bác và trong phần đông anh chị em chúng ta. Ở Rennes cũng vậy, nồi phở Việt Nam cũng là một trong những món ăn quen thuộc với những người không phải là người Việt Nam.
Phở thì có nhiều loại và cũng tuỳ theo cách người nấu, nếu đem đề tài nầy mà hỏi các đầu bếp thì ba ngày cũng bàn không xong (😊).
Nồi phở ngon không chỉ riêng vì thịt, nước, tiêu, hành, muối, đường… hoặc thậm chí cả bột ngọt không mà là do tất cả những thành phần phối hợp lại. Nói chung vị nào cũng có vai trò quan trọng của vị ấy trong chất ngon. Nhưng tiêu quá sẽ bị cay, muối quá sẽ bị mặn, bột ngọt quá sẽ không tốt cho sức khoẻ người ăn… mà các nguyên liệu, dù nhiều hay ít, mỗi thứ đều đóng vai trò quan trọng như nhau. Vì thế, để cho nồi phở được ngon, các gia vị ấy cần được hòa hợp lẫn nhau và không vị nào áp đặt lên đặc tính của mình. Cho dù cả lửa và nước cũng phải hòa chung một điệu. Vì nếu lửa và nước, tuy xung khắc, mà không chung một điệu thì làm sao có được một nồi cơm ngon, một tộ canh ngọt, một nồi nước lèo thơm mùi phở Việt Nam. Vì thế, cho dù nấu bằng nồi nhôm, đồng hay nồi đất, quan trọng nhất là nước cần phải có lửa phối hợp để đưa các gia vị khác lên tạo một món ăn đặc sắc hoặc một món phở Việt Nam đặc biệt và tuyệt ngon.
Đó là nói về nồi phở. Còn về phần ăn phở thì cũng đa dạng, vì có người thích ăn giá sống người thì không, người thì không thích có tiêu, người thì không thích có ớt… Nên chúng ta tự khuyên mình và người ăn không vì thế mà đem tô phở bỏ đi, nếu không thể ăn ớt thì đừng cứ nhè ớt mà cắn rồi la làng và bỏ luôn bò viên, bò tái với những thứ ngon và đặc biệt khác. Đó cũng là một phần vì không quen, chứ qua thời gian, khi quen rồi thì thiếu ớt thì mình sẽ cảm thấy khó chịu thậm chí thấy tô phở mất ngon vì không có ớt nữa. Cho nên mình cũng cho thời gian với những vị mà mới đầu mình chưa có quen thưởng thức.
Chúc các bạn thành công trong việc nấu và thưởng thức phở Việt Nam cho dù đang ở đâu hay sẽ đến bất cứ nơi nào.